Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Bài 3: Cần sự kết nối đồng bộ

 Hiệu quả của hệ thống camera giám sát là rất tích cực tuy nhiên trên thực tế thì do trong quá trình thử nghiệm, việc kết nối từ hệ thống camera giám sát trên tuyến với lực lượng CSGT các địa phương có liên quan còn chưa được thiết lập hữu hiệu trong việc xử lý nên chưa sử dụng hết tính năng hiệu quả trong việc xử lý vi phạm nóng trên đường cũng như xử phạt nguội. 

 Khắc phục điểm “đen”, giảm thiểu tai nạn 

Khi nhắc đến điểm đen về tai nạn giao thông - khúc cua “tử thần” Km 350, đoạn thuộc xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng bởi số vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra thời gian qua. “Sau khi có hệ thống camera giám sát các vi phạm, nhất là đối với những phương tiện đi sai làn đường, điều khiển xe quá tốc độ quy định… đến thời điểm hiện tại, điểm “đen” giao thông này đã không còn”, ngày 22/4, đưa chúng tôi đi khảo sát thực tế trên quốc lộ 1A, Trung tá Lâm Ngọc Thụ, Trạm trưởng Trạm CSGT Quảng Xương - đơn vị đảm nhận nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến QL1A, Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Theo Trung tá Thụ từ tháng 12/2012 hệ thống camera giám sát tự động lắp đặt trên tuyến quốc lộ 1A đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ tháng 12/2012 đến ngày 21/4/2013, thông qua hệ thống camera giám sát vi phạm lực lượng CSGT đã lập biên bản, xử lý 922 phương tiện vi phạm (trong đó lỗi phần đường 715 trường hợp; lỗi tốc độ là 207 trường hợp).

Có mặt tại Trung tâm vận hành, điều khiển hệ thống camera tự động giám sát đặt tại Trạm CSGT Quảng Xương chúng tôi được biết: từ sáng ngày 22/4 đến 16h30 cùng ngày, 3 cột camera tự động giám sát đã cung cấp hình ảnh của 113 trường hợp phương tiện vi phạm với lỗi điều khiển xe đi không đúng phần đường quy định, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định… Toàn bộ số hình ảnh vi phạm này được cập nhật khá đầy đủ và rõ nét trên hệ thống máy chủ.

Từ đặc điểm xe, lỗi, địa điểm vi phạm cho đến thời gian mà tài xế điều khiển phương tiện vi phạm đều hiển hiện khá rõ nét đến từng chi tiết giúp cho lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm… tiếp xúc với nhiều tài xế xe khách chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hóa, Hà Nội – Nghệ An, Hà Nội – Hà Tĩnh… có lộ trình đi trên tuyến đường này, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Tuyến đường này có hệ thống camera tự động giám sát vi phạm, nên dẫu không có bóng dáng CSGT cũng rất hạn chế lái xe ẩu.

Ngoài những trường hợp vi phạm bị phát hiện xử lý, máy đo tốc độ được lắp đặt tại các điểm có nguy cơ cao về tai nạn trên dọc tuyến đã giúp lực lượng CSGT nhận diện, xử lý kịp thời các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn. Theo Thiếu tá Trịnh Văn Giang - Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, trong 3 tháng đầu năm 2013, tình hình TNGT đường bộ: xảy ra 58 vụ, làm chết 64 người, bị thương 37 người. So với thời gian liền kề, đã giảm 31 vụ, giảm 27 người chết và 28 người bị thương. Số điểm “đen” về tai nạn giao thông trên địa bàn đã giảm đáng kể.

Lực lượng CSGT Công an Thanh Hóa xử lý vi phạm qua hệ thống camera.

Còn tại Nghệ An, theo số liệu đánh giá sau 4 tháng triển khai hệ thống camera giám sát với 7 camera dọc theo QL1A trên địa bàn các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu và TP Vinh hệ thống đã ghi lại gần 15.000 trường hợp vi phạm. Qua đó, xử phạt gần 1.100 lỗi vi phạm của người tham gia giao thông. Riêng về “phạt nguội”, đã có trên 500 lượt trường hợp xử phạt hành chính. Các camera này được gắn tại các ngã tư, khu vực trung tâm hàng ngày có lưu lượng phương tiện lớn đã tác động tích cực đến người điều khiển phương tiện, làm giảm vi phạm và tai nạn giao thông.

Hiệu quả của hệ thống camera giám sát là rất tích cực tuy nhiên trên thực tế thì do trong quá trình thử nghiệm, việc kết nối từ hệ thống camera giám sát trên tuyến với lực lượng CSGT các địa phương có liên quan còn chưa được thiết lập hữu hiệu trong việc xử lý nên chưa sử dụng hết tính năng hiệu quả trong việc xử lý vi phạm nóng trên đường cũng như xử phạt nguội. Theo đánh giá của Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, một trong những khó khăn vướng mắc liên quan đến việc vận hành, sử dụng hệ thống camera tự động giám sát vi phạm TTATGT hiện nay chính là cơ sở dữ liệu quản lý xe cơ giới đang quản lý theo địa phương chưa được tra cứu ngay trên phạm vi toàn quốc nên khi xử lý còn gặp một số khó khăn nhất định.

 Cần kết nối đồng bộ hệ thống để nâng cao hiệu quả xử lý 

Ngoài việc hiện đại hóa hệ thống giám sát hình ảnh trên các tuyến quốc lộ thì một trong những mục tiêu theo Chỉ thị 18 của Ban Bí thư đề ra là xây dựng hệ thống giám sát giao thông hiện đại trong nội đô TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và kẹt xe, ngay từ năm 2004 TP Hồ Chí Minh đã cho phép lực lượng CSGT thí điểm xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh.

Mỗi năm, lực lượng CSGT xử phạt được hàng chục ngàn vụ, năm cao nhất, đã xử phạt hơn 36.000 lượt người vi phạm thông qua hình ảnh camera. Như vậy, tác dụng của việc sử dụng ghi hình để phạt nguội là rất lớn, nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, việc phát hiện vi phạm và xử phạt nguội qua hình ảnh với xe “động” của CSGT chủ yếu mới chỉ trông chờ vào 25 máy quay di động do các tổ tuần tra kiểm soát thực hiện. Với xe “tĩnh” hàng ngày các tổ kiểm soát của Phòng CSGT cũng sử dụng camera loại nhỏ, di động ghi hình tình trạng phương tiện, chủ yếu là ôtô dừng đậu sai quy định để xử phạt. Vì vậy, theo ông Tường việc xử phạt mới chủ yếu tập trung vào ôtô riêng đối với xe máy vi phạm quá nhiều nên phạt nguội không xuể.

Hơn thế, trong quá trình phạt nguội CSGT cũng gặp không ít khó khăn với các loại ôtô xe máy mang biển số tỉnh chưa thực hiện sang tên đổi chủ. Trong khi đó, Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông của thành phố cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2002 với 191 chốt đèn được lắp đặt thiết bị cảm biến, camrea hiện đại có thể điều khiển từ xa. Tiếp đó là Dự án tăng cường năng lực quản lý đô thị với số vốn vay từ WB số tiền hơn 23 triệu USD để lắp đặt 118 chốt đèn tại khu vực trung tâm và các trục đường chính kết nối về Trung tâm điều khiển. Nhưng sau vài năm đưa vào hoạt động, đến nay phần lớn chốt đèn trong hệ thống này đã mất kết nối với trung tâm điều khiển bởi lý do chính là đứt cáp do đào đường hoặc thiết bị hư hỏng không được thay thế. Vì vậy hàng ngày tại các chốt đèn vẫn thường phải có lực lượng CSGT hoặc thanh niên xung phong đứng tại chỗ để điều chỉnh chu kỳ đèn và việc giám sát ùn tắc, vi phạm trật tự giao thông qua hình ảnh đã không hiệu quả.

Xây dựng hệ thống hiện đại cùng với việc kết nối hệ thống trên diện rộng là yêu cầu cách bách nhằm đạt mục tiêu kiểm soát tốt tình hình TTATGT, hạn chế vi phạm từ đó làm giảm tai nạn giao thông.

 Thiếu tá Trịnh Văn Giang – Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa:  

Thời gian qua, Phòng đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về việc vận hành sử dụng hiệu quả hệ thống giám sát để xử lý vi phạm ATGT góp phần từng bước nâng cao kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật, trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảm đảm TTATGT phát hiện, xử lý vi phạm đảm bảo khách quan.

Người vi phạm sau khi xem hình ảnh đều công nhận lỗi, chấp hành nghiêm quyết định xử lý, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông. Từng bước kiềm chế, làm giảm tai nạn, ùn tắc giao thông. Đồng thời, việc triển khai hệ thống camera tự động cũng là một trong yếu tố góp phần phòng chống tình trạng mãi lộ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét